du lịch vịnh bái tử long cánh của đang mở rộng

Nằm bên cạnh di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long rộng lớn cũng rất giàu tiềm năng cần được đánh thức cho phát triển du lịch.

Giàu có về di sản thiên nhiên, văn hoá

Vịnh Bái Tử Long được thiên nhiên ban tặng cho hàng trăm đảo đá, đảo đất lớn, nhỏ với nhiều sinh cảnh tự nhiên độc đáo. Đặc biệt, nơi đây còn có Vườn quốc gia Bái Tử Long sở hữu giá trị đa dạng sinh học cao và cảnh quan vô cùng đặc sắc. Qua nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, các loài động, thực vật có mặt tại khu vực vịnh Hạ Long hầu hết cũng xuất hiện ở vùng vịnh Bái Tử Long. Có hơn 20 hang động, tùng áng ở vịnh Bái Tử Long, trong đó hang Nhà Trò, hang luồn Cái Đé, áng Cái Đé, hang Phất Cờ là những hang động, áng đang được đề xuất đưa vào các tuyến điểm phục vụ du khách trong thời gian tới.

Vườn quốc gia Bái Tử Long sở hữu giá trị đa dạng sinh học cao và cảnh quan vô cùng đặc sắc. Ảnh: realtimes.vn

Khu vực vịnh Bái Tử Long cũng nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp nguyên sơ như bãi Minh Châu, Quan Lạn, bãi biển Vân Đồn... Đặc biệt, bãi biển Minh Châu sở hữu bãi cát trắng mịn tự nhiên dài khoảng 2km, được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất Vịnh Bắc Bộ. Phía trên bãi biển là khu rừng trâm nguyên sinh trải dài trên diện tích 14ha rất phù hợp với phát triển du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, vịnh Bái Tử Long còn chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, lịch sử, là những yếu tố quan trọng để phát triển các loại hình du lịch. Đây được coi là “cái nôi” của người Việt cổ với ba nền văn hoá tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000-3.500 năm, đó là: Văn hoá Soi Nhụ, Văn hoá Cái Bèo và Văn hoá Hạ Long.

Hội đua thuyền truyền thống tại lễ hội Quan Lạn năm 2022. Ảnh: Anh Vũ (CTV)

Hiện nay, khu vực vịnh Bái Tử Long còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử - văn hoá quan trọng, đã được xếp hạng các cấp. Trong đó, Cụm di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật đình - chùa - miếu Quan Lạn là nơi tưởng nhớ những chiến công oai hùng của cha ông trong chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288. Di tích Thương cảng cổ Vân Đồn nổi tiếng, sầm uất từ thời Lý, hiện đang được lập hồ sơ đề nghị công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Cùng với đó là di tích Khu lưu niệm Hồ Chủ tịch tại xã đảo Ngọc Vừng, cụm di tích chùa, tháp tại xã Thắng Lợi, chùa Cái Bầu, nghè Trần Khánh Dư. Ven bờ vịnh còn có di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên, đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Lễ hội đền Cửa Ông cũng được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Cơ hội phát triển mới

Với tiềm năng đó, du lịch khu vực ven bờ vịnh Bái Tử Long đã có sự phát triển nhất định thời gian qua. Các di sản văn hoá kể trên hàng năm đều đón lượng khách nhất định tới tham quan, chiêm bái, đặc biệt có sức hút lớn với du khách là quần thể di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên, chùa Cái Bầu đã được đầu tư khang trang, với khuôn viên rộng lớn, tạo thành những cảnh điểm đẹp từ gần chục năm trở lại đây.

Du lịch biển đảo nghỉ dưỡng của Vân Đồn cũng tương đối hút khách, những năm trước dịch, trung bình mỗi năm Vân Đồn đón khoảng 1 triệu lượt khách. Trong đó, Khu du lịch cấp tỉnh Quan Lạn - Minh Châu có lượng khách liên tục tăng theo các năm. Hệ thống hạ tầng được quan tâm đầu tư hơn, người dân địa phương đã bước đầu hưởng lợi từ các hoạt động du lịch trên đảo.

Đền Cửa Ông thu hút đông đảo du khách tới tham quan, chiêm bái hàng năm.

Dù vậy, du lịch khu vực vịnh Bái Tử Long được đánh giá phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tuyến du lịch Cái Rồng - Minh Châu có hành trình từ cảng Cái Rồng qua các điểm tham quan vụng Lỗ Ô, vườn quốc gia Ba Mùn (nay là Vườn quốc gia Bái Tử Long), bãi tắm Minh Châu (theo Quyết định số 1631/QĐ-UBND ngày 28/6/2016 của UBND tỉnh) không được mấy du khách biết tới. Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái từ năm 2019, nhưng theo lãnh đạo đơn vị, do những nguyên nhân khách quan nên chưa có cơ sở thu hút đầu tư, triển khai. Vì vậy, thời gian qua đơn vị chỉ thực hiện nhiệm vụ về quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học là chính. Một số hoạt động du lịch phát triển hiện nay mang tính tự phát, do các hộ dân thực hiện...

Có thể nói, trong chiến lược phát triển của tỉnh, Khu kinh tế Vân Đồn nói chung, ngành du lịch Vân Đồn nói riêng giữ vị trí quan trọng. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cũng xác định xây dựng Vân Đồn trở thành một trong 4 trọng điểm du lịch của tỉnh, với sản phẩm chủ yếu là: Du lịch biển đảo cao cấp có casino; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, ẩm thực, tắm biển, vui chơi giải trí trên vịnh Bái Tử Long; du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh chùa Cái Bầu, đình Quan Lạn; du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, trên các đảo đất của huyện Vân Đồn, vịnh Bái Tử Long; du lịch MICE; du lịch mạo hiểm, nghiên cứu trên vịnh Bái Tử Long.

Bình minh trên vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Dương Phượng Đại (CTV)

Mặt Vịnh trong buổi sáng mùa thu. Ảnh: Dương Phượng Đại (CTV)

Như vậy, cơ sở nền tảng để xây dựng Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao đã có, trong đó du lịch vịnh Bái Tử Long được đề cao. Điều quan trọng hiện nay, thiết nghĩ, chính là vai trò dẫn dắt và sự năng động của địa phương, doanh nghiệp du lịch như thế nào. Vừa qua, Bến cảng cao cấp Ao Tiên đã chính thức vận hành, từ đây Vân Đồn đã hội tụ đầy đủ 3 cửa ngõ giao thương quốc tế với đường hàng không, đường bộ và đường biển.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đi các tuyến đảo, tàu du lịch rất phấn khởi trước sự kiện này, đổ về tìm hiểu phục vụ cho hướng kinh doanh mới. Hiện nay, mong mỏi của địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch chính là việc tỉnh sớm công nhận các tuyến du lịch trên vịnh Bái Tử Long mà địa phương, các sở, ngành đề xuất, phê duyệt các điểm nghỉ đêm trên vịnh. Đi cùng với đó là các điều kiện về tuyến đường thuỷ nội địa, cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện quản lý theo quy định...

Cảng cao cấp Ao Tiên trong ngày đầu đưa vào khai thác. Ảnh: Đỗ Phương

Ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty Du lịch Mai Quyền, đại diện chủ đầu tư Bến cảng cao cấp Ao Tiên, phấn khởi bày tỏ: Khát khao của tôi là vươn ra biển, tức là cùng các nghiệp đoàn tàu du lịch khớp nối lại làm sao cho tốt hơn, đẳng cấp hơn, để thu hút khách, nhất là khách vùng Tây Bắc vốn không có biển và dòng khách Trung Quốc khi mở cửa. Ngay sau vận hành, một số doanh nghiệp làm du lịch đã đến tìm hiểu thực tế về cảng, và rất hài lòng. Họ hứa là khi tour tuyến xong thì họ sẽ kết nối luôn để đưa khách tới. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn rồi. Vấn đề bây giờ là hạ tầng dưới biển, tức là luồng tuyến, khi luồng tuyến được công bố thì lập tức là chúng tôi sẽ ra khơi luôn...

Đại biểu cắt băng khánh thành Bến cảng cao cấp Ao Tiên (11-2022). Ảnh: Đỗ Phương

Có sự tìm hiểu từ sớm và khi cảng đi vào vận hành thì chuyển sang xây dựng chiến lược kinh doanh tại vịnh Bái Tử Long, ông Phan Văn Tùng, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư Havaco, Phó Giám đốc Công ty Du thuyền Bhaya, chia sẻ: Trước mắt, chúng tôi đã đưa toàn bộ 4 tàu cao tốc 5 sao Tuần Châu Express tới cảng Ao Tiên, để phục vụ du lịch cũng như vận chuyển khách đi Cô Tô và các tuyến đảo của Vân Đồn. Cùng với việc đăng ký hợp đồng các tàu tại Ao Tiên, đơn vị cũng đưa vào chương trình quảng bá tới các hãng lữ hành trong nước và quốc tế. Chúng tôi cùng với các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, cũng đã có nhiều chuyến khảo sát các tuyến, điểm tham quan trên vịnh Bái Tử Long. Sau khi mở tuyến, đây chắc chắn là tiềm năng du lịch mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua...

Khai thác tuyến điểm du lịch mới trên vịnh Bái Tử Long

Cùng với việc đưa vào khai thác Dự án Bến cảng cao cấp Ao Tiên (Vân Đồn) - là bến thủy nội địa cấp I chuyên dùng phục vụ vận tải du lịch tuyến Vân Đồn đi các đảo và các điểm tham quan trên vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh việc khảo sát, đề xuất công nhận các tuyến điểm tham quan du lịch mới trên vịnh Bái Tử Long. Qua đó, góp phần đánh thức mạnh mẽ tiềm năng du lịch khu vực vịnh Bái Tử Long, giúp mở rộng không gian du lịch, giảm tải cho vịnh Hạ Long và làm mới các sản phẩm du lịch biển đảo của Quảng Ninh.

Qua đánh giá, khảo sát thực địa mới đây, các sở, ngành liên quan đã đề xuất UBND tỉnh bổ sung một số điểm tham quan du lịch mới trên vịnh Bái Tử Long gồm 2 tuyến. Trong đó, tuyến 1 có tổng hành trình dài 53km xuất phát từ cảng Ao Tiên đi các điểm hang Phất Cờ - Nuôi trồng trai ngọc (hòn Đá Đen) - Hòn Quạ - Cống Lão Vọng - Hòn Đũa đến điểm cuối tại đảo Minh Châu. Tuyến 2 tổng hành trình dài 30km xuất phát từ cảng Ao Tiên đi các điểm đảo Tây Hoi - Hòn Mèo Lười - Bản Sen - hang Nhà Trò đến điểm cuối tại bến Bản Sen.

Một góc đảo Phất Cờ (Vân Đồn). Ảnh: Tạ Quân

Các điểm đến này được kết nối nhằm phát huy tối đa hệ thống giá trị cảnh quan của các núi đá, bãi tắm, hang động, các tuyến đảo trên vịnh Bái Tử Long. Đơn cử, theo đề xuất của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, trong các điểm ở đảo Tây Hoi, khu vực hang Hoi có thể cải tạo thành điểm đón tiếp khách, đưa vào một số dịch vụ trải nghiệm ẩm thực; bổ sung bãi cát khu vực hang, nghiên cứu cải tạo thành bãi tắm để đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho tuyến. Ngoài ra, các điểm khác cần tiếp tục hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu phục vụ du lịch cũng như có phương án, giải pháp cụ thể trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái vịnh Bái Tử Long và di sản vịnh Hạ Long.

Ban Quản lý vườn Quốc gia Bái Tử Long cũng đề xuất triển khai một số hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long với các tuyến du lịch cụ thể: Tuyến đi trong ngày xuất phát từ cảng Ao Tiên đi làng chài cống Lão Vọng - đảo Trà Ngọ lớn - hòn Thiên Nga; tuyến 2 ngày 1 đêm: Xuất phát từ cảng Ao Tiên - khu Cái Đé - Điểm đỗ nghỉ đêm Máng Hà; tuyến 3 ngày 2 đêm: Xuất phát từ cảng Ao Tiên - vụng Trà Thần (đảo Trà Ngọ lớn) - bãi tắm Cái Lim - Điểm đỗ nghỉ đêm máng Hà - khu Cái Đé - Điểm nghỉ đêm.

Ông Phạm Ngọc Vinh, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long, cho biết: Để triển khai được các tuyến, hoạt động du lịch này, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã đề xuất UBND tỉnh về việc phát triển hệ thống du thuyền cao cấp, tàu ngủ đêm, cano, thuyền buồm tham quan trên vịnh Bái Tử Long và kết nối tour du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trong Vườn Quốc gia Bái Tử Long để tạo nên một hành trình khép kín.

Đồng thời, đầu tư trang thiết bị hiện đại, chuyên gia chèo kayak, lặn biển, đi bộ, leo cây, và dù lượn tiêu chuẩn quốc tế, đội ngũ nhân viên, phục vụ làm việc chuyên nghiệp nhằm phát triển thương hiệu các loại hình du lịch tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long thành một tour du lịch mang đẳng cấp quốc tế. Theo đó, tham gia các tuyến du lịch tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long, du khách sẽ được thưởng ngoạn những phong cảnh đặc sắc trên biển, xen giữa là hệ thống các đảo núi đá vôi sừng sững; khám phá vô vàn các loài động thực vật phong phú và đa dạng; thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị biển cả như sá sùng, bào ngư, hải sâm, sò điệp tham gia vào hoạt động câu cá, trải nghiệm đánh lưới cùng ngư dân đầy thú vị và sử dụng các dịch vụ du lịch đẳng cấp...

Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Phạm Học

Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan cũng thống nhất đề xuất việc mở các tuyến luồng thủy nội địa phục vụ khai thác hiệu quả các điểm đến, đánh thức tiềm năng du lịch vịnh Bái Tử Long, đảm bảo theo đúng quy định. Quá trình công bố tuyến điểm tham quan và các tuyến luồng giao thông thủy nội địa được triển khai đồng thời, đảm bảo đưa vào khai thác theo đúng quy định và tiến độ đề ra của tỉnh vào tháng 4/2023.

Sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng với sự đầu tư đồng bộ của tỉnh trong thời gian qua và tới đây, tin tưởng du lịch vịnh Bái Tử Long sẽ ngày càng khởi sắc, mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, không ngừng gia tăng sức hấp dẫn cho du lịch biển đảo Quảng Ninh.

“Phát huy trên cơ sở bảo vệ các giá trị sinh thái của Vườn quốc gia Bái Tử Long”

Ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

Nằm trong khu vực vùng vịnh Bái Tử Long rộng lớn, Vườn quốc gia Bái Tử Long (Vân Đồn) có rất nhiều tiềm năng trong phát triển các loại hình du lịch sinh thái. Tuy nhiên, du lịch nơi đây lâu nay vẫn giống như “nàng công chúa đang say ngủ”. Với sự phát triển của du lịch biển đảo khu vực Vân Đồn - Cô Tô, mới đây là việc đi vào hoạt động của Bến cảng cao cấp quốc tế Ao Tiên, cơ hội phát triển du lịch trong khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long ngày càng rộng mở hơn. Để có cái nhìn cụ thể hơn, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bái Tử Long.

- Vườn quốc gia Bái Tử Long sở hữu cả những giá trị to lớn về đa dạng sinh học và cảnh quan, vậy trong xu thế đề cao việc phát huy giá trị vùng vịnh Bái Tử Long như hiện nay, theo ông thì có thể khai thác giá trị của vườn như thế nào?

+ Vườn quốc gia Bái Tử Long là một tổ hợp các hệ sinh thái toàn vẹn với 6 hệ sinh thái đặc trưng, có giá trị nổi bật. Vì thế, Vườn đã được ghi nhận là Vườn Di sản ASEAN, có giá trị trong toàn khu vực. Song song với quá trình quản lý, bảo tồn các giá trị hệ sinh thái của Vườn quốc gia Bái Tử Long, ngoài việc phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, thì nơi đây có tiềm năng cho phát triển du lịch rất lớn.

Hòn Thiên Nga tại khu vực vụng Trà Thần, đảo Trà Ngọ lớn của Vườn quốc gia Bái Tử Long. Ảnh: realtimes.vn

Du khách đến đây có thể trải nghiệm các giá trị sinh thái của Vườn quốc gia Bái Tử Long mà chúng tôi đã gìn giữ, bảo vệ trong những năm qua. Chúng tôi hiện đang đề xuất thí điểm 3 sản phẩm phục vụ du khách trong năm nay. Cụ thể, sản phẩm 1 đi trong ngày, lịch trình xuất phát từ cảng Ao Tiên - làng chài cống Lão Vọng, đảo Trà Ngọ lớn - hòn Thiên Nga - cảng Ao Tiên. Sản phẩm 2 và 3 là lưu trú, nghỉ đêm trên vịnh Bái Tử Long. Theo đó, sản phẩm 2 ngày 1 đêm có lịch trình xuất phát từ cảng Ao Tiên - khu Cái Đé - điểm đỗ, nghỉ đêm Máng Hà - cảng Ao Tiên; sản phẩm 3 ngày 2 đêm xuất phát từ cảng Ao Tiên - vụng Trà Thần (đảo Trà Ngọ lớn) - bãi tắm Cái Lim - Điểm đỗ nghỉ đêm Máng Hà - khu Cái Đé - điểm nghỉ đêm - cảng Ao Tiên.

Các điểm đến trong các sản phẩm kể trên có giá trị cảnh quan cũng như đa dạng sinh học cao của Vườn quốc gia Bái Tử Long, hứa hẹn sức hấp dẫn với du khách. Đơn cử như khu Cái Lim (đảo Trà Ngọ) với thung áng, hang Dơi, rừng nơi đây có hàng trăm loài thực vật khác nhau, những khe nước suối tự nhiên trong xanh và quần thể gỗ lim lớn nhất, nhiều cây lên đến cả trăm năm tuổi, một người ôm không hết gốc. Luồng Cái Đé với hang Cái Đé là hang luồn lớn nhất vùng Hạ Long - Bái Tử Long, xuyên qua lòng núi với chiều dài 300m. Dọc theo luồng Cái Đé là một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, ở đây, du khách có thể chèo kayak, câu cá, trải nghiệm đánh lưới cùng ngư dân, tham quan hang ngầm và xuyên qua hang ngầm đến áng Cái Đé, nơi có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất lâu năm. Vườn quốc gia Bái Tử Long còn có khu vực đảo Máng Hà rất thơ mộng, được che chắn kín sóng, gió rất thích hợp cho các tàu lưu trú nghỉ đêm…

Khỉ trên đảo Ba Mùn, Vườn quốc gia Bái Tử Long. Ảnh: Nguyễn Việt (CTV)

Cây cổ thụ 2-3 người ôm không xuể tại đảo Ba Mùn, Vườn quốc gia Bái Tử Long. Ảnh: Tạ Quân

Suối nước ngọt trong vắt chảy giữa rừng trên đảo Ba Mùn, Vườn quốc gia Bái Tử Long. Ảnh: Tạ Quân

Vườn quốc gia Bái Tử Long là khu bảo tồn thuộc khu vực vịnh Bái Tử Long (Vân Đồn), hiện có tổng diện tích trên 15.000ha, bao gồm cả diện tích đảo nổi và mặt nước biển. Đây là một trong số 7 vườn quốc gia trong cả nước, là nơi lưu giữ những đặc trưng của hệ sinh thái biển - đảo vùng Đông Bắc với 6 hệ sinh thái cơ bản: Hệ sinh thái rừng thường xanh trên đảo núi đất; Hệ sinh thái rừng thường xanh trên đảo núi đá vôi; Hệ sinh thái rừng ngập mặn; Hệ sinh thái thảm cỏ biển; Hệ sinh thái rạn san hô; Hệ sinh thái tùng, áng.

Các hệ sinh thái của Vườn quốc gia Bái Tử Long chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao, tạo nên những cảnh quan đẹp và hoang sơ. Đặc biệt, Vườn có một số loài động, thực vật quý hiếm có giá trị bảo tồn về khoa học và giá trị kinh tế cao, như: Lim, lát hoa, trai lý, huỳnh đàn lá đối, kim giao, ba kích, khỉ vàng, thạch sùng mí, san hô, bào ngư, sá sùng, ngán, rùa biển... Năm 2016, Vườn quốc gia Bái Tử Long được công nhận là Vườn di sản ASEAN.

- Ý tưởng là như thế, vậy đơn vị đã và đang triển khai những hoạt động gì để hiện thực hóa, đưa những tour tuyến đó đi vào hoạt động?

+ Ngay từ năm 2029, chúng tôi lập hồ sơ đề xuất và đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bái Tử Long. Thực hiện nội dung Đề án, vừa qua, chúng tôi đã đề xuất và UBND tỉnh đã giao cho Sở Du lịch chủ trì cùng các sở, ban, ngành nghiên cứu đề xuất để công bố những tuyến, điểm du lịch kể trên, để từ đó các doanh nghiệp có thể khai thác phục vụ du lịch.

Cây kim giao được ươm trồng tại Vườn sưu tập thực vật quý hiếm của Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Chúng tôi được biết, Sở Du lịch đã có tờ trình số 274/SDL-KHPT ngày 22/2/2023 báo cáo UBND tỉnh về việc đề xuất triển khai một số hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bái Tử Long. Ngày 28/2/2023, Sở cũng có tờ trình số 306/TTr-SDL về việc đề xuất tuyến tham quan trên vịnh Bái Tử Long. Trong đó, đơn vị đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương về việc triển khai một số hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, với đề xuất của chúng tôi về 3 sản phẩm tham quan trong ngày và lưu trú trên vịnh, từ đó có cơ sở triển khai các hoạt động đầu tư hạ tầng thiết yếu để khai thác tại đây. Gần đây nhất, tại cuộc họp ngày 10/3 về các sản phẩm du lịch tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, lãnh đạo tỉnh cũng đã giao cho đơn vị xây dựng phương án để trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ triển khai.

Về phía địa phương, UBND huyện Vân Đồn cùng với chúng tôi đã thúc đẩy quá trình xúc tiến đầu tư phát triển du lịch. Chúng tôi đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư thực hiện, như Công ty Hợp lực Mai Quyền đã đầu tư Cảng Ao Tiên, được đưa vào khai thác đầu tháng 3 vừa qua, có mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng, phục vụ cho các tàu du lịch có thể đưa khách tới tham quan Vườn quốc gia cũng như toàn bộ khu vực vịnh Bái Tử Long.

Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục công việc lâu nay là xúc tiến việc kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào Vườn quốc gia Bái Tử Long, đồng thời đề xuất các sở, ban, ngành thực hiện các thủ tục để đảm bảo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện.

Lối vào hang Cái Đé là hang luồn lớn nhất vùng Hạ Long - Bái Tử Long. Ảnh: Phạm Hoạch (CTV)

- Mong muốn của đơn vị về phát triển du lịch là như thế, vậy đơn vị có giải pháp gì để hài hòa giữa bài toán bảo tồn và phát triển du lịch tại khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long trong thời gian tới?

+ Đúng vậy, có nhiều câu hỏi đặt ra giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái có xung đột hay không? Ở góc nhìn của Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long thì chúng tôi tập trung vào công tác bảo tồn, bảo vệ các hệ sinh thái, từ đó mong muốn phát huy các giá trị đó thông qua các hoạt động như du lịch và phát triển kinh tế khác một cách bền vững. Và ngược lại, phát triển kinh tế là để đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn. Với các hoạt động du lịch và phát triển kinh tế, chúng tôi sẽ đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các định hướng để các doanh nghiệp, đơn vị khai thác dựa trên cơ sở nền tảng bảo vệ, duy trì và phát huy các giá trị sinh thái của Vườn quốc gia Bái Tử Long mà lâu nay chúng tôi đang gìn giữ.

Nhà bảo tàng đa dạng sinh học trưng bày nhiều mẫu động, thực vật, được thu thập từ các đợt nghiên cứu tại Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Các sản phẩm du lịch mà chúng tôi đề xuất khai thác tại khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long đều hướng tới những trải nghiệm thân thiện với môi trường cho du khách, như trekking xuyên rừng, zipline xuyên rừng, qua biển, trải nghiệm trong rừng ngập mặn, hang luồn, hồ nước mặn, thậm chí là trải nghiệm dưới đáy biển, chủ yếu là những trải nghiệm mang tính quan sát, khảo nghiệm, không có sự can thiệp vào các hệ sinh thái của Vườn quốc gia Bái Tử Long.

https://baoquangninh.vn/du-lich-vinh-bai-tu-long-canh-cua-dang-mo-rong-3231387.html
Chia sẻ

Tin liên quan

Cùng chuyên mục

Sơn La: Nhân rộng mô hình dân vận phù hợp thực tiễn địa phương, đơn vị

Sơn La: Nhân rộng mô hình dân vận phù hợp thực tiễn địa phương, đơn vị

Đổi mới trong công tác dân vận, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp huyện Yên Châu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình dân vận phù hợp thực tiễn địa phương, đơn vị. Công tác dân vận ngày càng hướng về cơ sở, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.
Sơn La: Vào vụ khai thác mủ cao su

Sơn La: Vào vụ khai thác mủ cao su

Ngay sau khi kết thúc vụ khai thác mủ năm 2023, Công ty cổ phần Cao su Sơn La đã chỉ đạo các nông trường, đơn vị sản xuất tập trung chăm sóc, bảo vệ và triển khai các phương án PCCC toàn bộ diện tích, bảo đảm các vườn cây cao su sinh trưởng, phát triển, ổn định năng suất và sản lượng cho vụ khai thác năm 2024.
Điện Biên: Nông dân tất bật gieo trồng sau mưa

Điện Biên: Nông dân tất bật gieo trồng sau mưa

Sau những ngày nắng nóng kéo dài, Điện Biên đón nhận những cơn mưa đầu mùa. Với bà con vùng cao canh tác dựa vào nương rẫy thì những cơn mưa đầu mùa sẽ làm tơi đất, cung cấp lượng nước cần thiết để bắt đầu mùa vụ. Thế nên sau những trận mưa, tận dụng nước mưa làm ẩm đất, bà con tất bật gieo trồng.
Điện Biên: Cây dược liệu còn khó “đầu ra”

Điện Biên: Cây dược liệu còn khó “đầu ra”

Thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã nhân giống, mở rộng diện tích trồng một số loại cây dược liệu. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm lại đang là bài toán khó.
Sơn La: Đoàn kết, nỗ lực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở bản Mạt

Sơn La: Đoàn kết, nỗ lực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở bản Mạt

Trước đây, bản Mạt là bản khó khăn nhất của xã biên giới Mường Lèo, huyện Sốp Cộp. Nhưng với sự hỗ trợ của Nhà nước, quyết tâm của cấp ủy, Ban quản lý bản và sự đoàn kết, nỗ lực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của nhân dân, đời sống của 111 hộ trong bản từng ngày thay đổi.
Lan tỏa khí thế Điện Biên

Lan tỏa khí thế Điện Biên

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ có lẽ là một kỷ niệm khó quên của mỗi chiến sĩ và nhân dân Điện Biên khi cơn mưa sầm sập đổ xuống trước màn khai lễ. Mặc những hạt mưa rơi ướt người, ướt áo, các chiến sĩ tham gia diễu binh, diễu hành vẫn nghiêm trang, chỉnh đốn trang phục trước khi tiến vào lễ đài. Cơn mưa càng làm không khí lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ thêm hào hùng, ấn tượng.

Các tin khác

Điện Biên: “Mở đường” phát triển đô thị

Điện Biên: “Mở đường” phát triển đô thị

Đối với phát triển hệ thống đô thị, công tác quy hoạch luôn có vai trò đặc biệt quan trọng, được ví như một “công cụ” quản lý, định hướng, “đi trước mở đường” dẫn dắt cả quá trình phát triển đô thị. Bởi vậy, Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thể được coi là “kim chỉ nam” cho phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh trong tương lai.
Sơn La: Sông Mã quản lý mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu

Sơn La: Sông Mã quản lý mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu

Mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu nông sản cho nhân dân, huyện Sông Mã đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các HTX, doanh nghiệp và nhân dân phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP; tập trung xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng chuyên canh cây ăn quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Điện Biên: Lúa đông xuân được mùa, được giá

Điện Biên: Lúa đông xuân được mùa, được giá

Những ngày qua, nông dân huyện Điện Biên khẩn trương xuống đồng thu hoạch lúa đông xuân 2023 - 2024. Mặc dù trong vụ chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố bất lợi về thiên tai, sâu bệnh, nhưng nhờ sự chủ động của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân nên vụ lúa đông xuân năm nay được mùa. Nông dân ai cũng phấn khởi.
Sơn La:  Đẩy mạnh hợp tác về nông nghiệp với các tỉnh nước bạn Lào

Sơn La: Đẩy mạnh hợp tác về nông nghiệp với các tỉnh nước bạn Lào

Tăng cường hợp tác về nông nghiệp với các tỉnh nước bạn Lào, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp; triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân các tỉnh Bắc Lào xây dựng mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.
Điện Biên: Cơ hội cải thiện sinh kế

Điện Biên: Cơ hội cải thiện sinh kế

Điện Biên có khoảng 70% diện tích tự nhiên là đất nông, lâm nghiệp và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi phát triển các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp trong đó có các loại cây dược liệu. Thực tế, tại một số huyện đã phát triển vùng trồng cây dược liệu song cần thêm sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân trồng dược liệu dưới tán rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ rừng.
Sơn La: Đa dạng các mô hình giúp nông dân làm giàu

Sơn La: Đa dạng các mô hình giúp nông dân làm giàu

Từ năm 1994 đến nay, bằng nguồn ngân sách tỉnh, Trung ương, Khuyến nông Sơn La đã triển khai thực hiện thành công 108 loại mô hình khuyến nông đa dạng trên mọi lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và khuyến công, thu hút hơn 80.400 hộ nông dân tham gia.
Điện Biên trao đổi hũ đất, tư liệu với Cộng hòa Belarus

Điện Biên trao đổi hũ đất, tư liệu với Cộng hòa Belarus

Sáng nay (8/5), tại trụ sở UBND tỉnh diễn ra buổi trao tặng và tiếp nhận hũ đựng đất giữa UBND tỉnh Điện Biên và Đại sứ quán nước Cộng hòa Belarus tại Việt Nam nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 80 năm Giải phóng lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Xô Viết Belarus. Trao tặng hũ đựng đất “Pháo đài Brest” cho tỉnh Điện Biên có ngài Uladzimir Baravikou, Đại sứ nước Cộng hòa Belarus tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Điện Biên có đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Sơn La: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam chào xã giao lãnh đạo tỉnh

Sơn La: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam chào xã giao lãnh đạo tỉnh

Ngày 8/5, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya đã chào xã giao lãnh đạo tỉnh Sơn La.
Yên Bái: Nhà ông Trần Đình Khánh - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống

Yên Bái: Nhà ông Trần Đình Khánh - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống

Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh tọa lạc tại làng Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Đây là 1 trong 4 điểm di tích nằm trong Cụm di tích lịch sử quốc gia Chiến khu Vần đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng quốc gia.
Sơn La: Yên Châu khắc ghi lời Bác dạy

Sơn La: Yên Châu khắc ghi lời Bác dạy

Cứ mỗi dịp tháng 5 về, Khu di tích Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu lại trở thành điểm đến của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện để tưởng nhớ đến vị cha già kính yêu của dân tộc. Từng đóa hoa tươi, từng nén nhang thơm dâng Bác là tấm lòng của mỗi người con Yên Châu tỏ lòng thành kính tri ân công đức, cũng là dịp báo công dâng Bác những thành quả đã đạt được.
Điện Biên: Những dấu mốc lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Điện Biên: Những dấu mốc lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ được xem là một cột mốc đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp trong nỗ lực tái gây dựng thuộc địa Đông Dương nói riêng và đế quốc thực dân của họ nói chung sau Chiến tranh thế giới thứ hai, qua đó chấm dứt hơn 400 năm tồn tại của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.
Yên Bái: Huyện Yên Bình phấn đấu thu hút ít nhất 10 nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát các lĩnh vực

Yên Bái: Huyện Yên Bình phấn đấu thu hút ít nhất 10 nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát các lĩnh vực

Phấn đấu thu hút từ 10 - 12 nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát về các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, phát triển đô thị. Đó là mục tiêu theo kế hoạch thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Bình năm 2024.
Sơn La: Nông dân tiêu biểu của huyện Mộc Châu

Sơn La: Nông dân tiêu biểu của huyện Mộc Châu

Năng động, dám nghĩ, dám làm, chị Hoàng Thị Hoa, tiểu khu 30/4, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu đã xây dựng thành công 2 sản phẩm mận sấy dẻo, xoài sấy dẻo được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, góp phần tiêu thụ nông sản cho người dân trong vùng và nâng cao thu nhập cho gia đình. Chị Hoa được vinh danh là nông dân tiêu biểu huyện Mộc Châu năm 2023.
Điện Biên: Mạch sống Đại thủy nông Nậm Rốm

Điện Biên: Mạch sống Đại thủy nông Nậm Rốm

Sau chiến thắng lịch sử năm 1954, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đoàn, hàng nghìn thanh niên xung phong các tỉnh miền xuôi tình nguyện lên Điện Biên để xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm dẫn nước tưới cho thung lũng Mường Thanh, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, sau 55 đưa vào khai thác, công trình vẫn giữ vai trò chủ lực điều tiết nước cho cánh đồng Mường Thanh để tạo ra những “hạt ngọc” thơm ngon nức tiếng, thương hiệu gạo Điện Biên đã được khẳng định trên khắp mọi miền đất nước.
Yên Bái kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 30,6% so cùng kỳ

Yên Bái kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 30,6% so cùng kỳ

Trong 4 tháng đầu năm, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 125,49 triệu USD, tăng 30% so cùng kỳ.
Điện Biên: Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường tiếp xã giao Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam

Điện Biên: Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường tiếp xã giao Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam

Chiều nay (5/5), tại trụ sở Tỉnh ủy, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tiếp xã giao Ngài Marc E. Knapper, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Yên Bái: Xã Nghĩa Lộ sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế

Yên Bái: Xã Nghĩa Lộ sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.
Điện Biên: Trao quà và tặng học bổng học sinh nghèo vượt khó ở Mường Phăng

Điện Biên: Trao quà và tặng học bổng học sinh nghèo vượt khó ở Mường Phăng

Ngày 29/4, tại xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ, Quỹ Tâm hồn đẹp (TP. Hà Nội) phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo TP. Điện Biên Phủ và Báo Điện Biên Phủ (đơn vị kết nối) tổ chức trao học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó.
Xem thêm
Tọa đàm “Xúc tiến thương mại: Khơi thông đầu ra cho sản phẩm OCOP”

Tọa đàm “Xúc tiến thương mại: Khơi thông đầu ra cho sản phẩm OCOP”

sản phẩm OCOP
Bác sĩ tư vấn cách phòng tránh bệnh đường hô hấp trong thời tiết giao mùa

Bác sĩ tư vấn cách phòng tránh bệnh đường hô hấp trong thời tiết giao mùa

Trao yêu thương cho em

Trao yêu thương cho em

Nhằm kết nối, sẻ chia với các trẻ em mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19 vừa qua trên địa bàn Cần Thơ. Tạp chí Gia đình Việt Nam tại TP Cần Thơ tổ chức Chương trình nghệ thuật “ Nối vòng yêu thương” diễn ra vào ngày 28/6/2022. Công ty Cổ phần Trầm hương sinh học TTT là đơn vị tài trợ chính cho chương trình với mong muốn các em sẽ đón nhận những tương lai tươi sáng.
Kon Tum giải cứu nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia

Kon Tum giải cứu nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia

Ngày 18/4 vừa qua, đối tượng Lê Ngọc Nhất đã dẫn Y Liên cùng 5 người khác gồm 2 nữ, 3 nam không rõ tên tuổi, không quen biết nhau sang Campuchia qua đường mòn biên giới tỉnh Long An.
Giới thiệu Phổ biến kiến thức Pháp luật

Giới thiệu Phổ biến kiến thức Pháp luật

Phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật là hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu, bổ sung kiến thức, các quy định pháp luật mới ban hành. Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc cập nhật kiến thức pháp luật có vai trò rất quan trọng, góp phần hình thành tri thức pháp lý, thái độ, hành vi xử sự của mọi người phù hợp với đòi hỏi của hệ thống pháp luật. Tại tỉnh Quảng Ninh, việc phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật cho những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự trên địa bàn.
Phổ biến Luật tiếp cận thông tin

Phổ biến Luật tiếp cận thông tin

Luật này quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Hướng đến Chuyển đổi số sâu rộng

Hướng đến Chuyển đổi số sâu rộng

Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, chuyển đổi số ngày càng đóng vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả thành công của doanh nghiệp. Và, một thực tế cho thấy, các doanh nghiệp trên toàn thế giới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bán lẻ, tài chính và chăm sóc sức khỏe, cho đến khu vực công, đều đang khởi động các dự án chuyển đổi số để cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng hiệu quả hoạt động.
Giao diện di động