Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cao nhất là 37,13% đối với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc và 15,67% đối với hàng hóa xuất xứ từ Hàn Quốc.

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá tạm thời với tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc
Việt Nam áp thuế chống bán phá giá tạm thời với tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc

Trong quá trình điều tra vụ việc, thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo số liệu hải quan, tính đến hết tháng 3/2024, lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra trong 12 tháng đã đạt 454 nghìn tấn, tăng 91% so với cùng kỳ đến tháng 3/2023. Kể cả sau khi Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng vụ việc này, lượng nhập khẩu thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn gia tăng đáng kể, chỉ trong vòng 9 tháng cuối năm 2024, lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra đã xấp xỉ 382 nghìn tấn (tăng 20% so với cùng kỳ).

Do vậy, Bộ Công Thương đã xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời nhằm ngăn chặn lượng nhập khẩu thép mạ gia tăng nhanh có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời gian tới.

Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện điều tra tại chỗ các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nước ngoài, các doanh nghiệp nhập khẩu để đưa ra kết luận cuối cùng của vụ việc này.

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá tạm thời với tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc

Ngành thép nói chung và tôn mạ nói riêng tiếp tục đối mặt với khó khăn, đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu. Theo số của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu tôn mạ, sơn phủ màu đã ghi nhận hai tháng giảm mạnh liên tiếp trong năm 2025, tháng 1 giảm 32%, tháng 2 giảm 45% so với cùng kỳ.

Tính chung hai tháng qua, xuất khẩu mặt hàng này giảm 38% xuống 326.665 tấn. Tôn mạ là mặt hàng có số lượng xuất khẩu nhiều nhất và ghi nhận mức sụt giảm doanh số xuất khẩu lớn thứ hai (sau HRC) trong số các sản phẩm thép.

Trong bối cảnh hiện tại, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho rằng “quay về thị trường nội địa là chiến lược khôn ngoan nhất”. Tuy nhiên, bản thân thị trường nội địa cũng đang gặp khó khăn khi nhu cầu vốn đã thấp hơn so với công suất của các nhà máy, nay vẫn chưa thể phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn đi xuống chung của toàn ngành thép.

Ông Vũ cho biết tổng công suất hiện nay của các nhà máy tôn mạ gấp 3 lần so với nhu cầu trong nước. Con số này chưa kể lượng hàng nhập khẩu, đặc biệt là tôn mạ giá rẻ từ Trung Quốc.

Hiện các doanh nghiệp tôn mạ đang chịu sức ép cạnh tranh lớn bởi hàng nhập khẩu từ quốc gia láng giếng này. Theo VSA, kể từ khi chấm dứt biện pháp chống bán phá giá đối với thép mạ (Vụ AD02) vào tháng 5/2022, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, chiếm 64-67% tổng lượng thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023. Cho đến nay, việc này tiếp tục ảnh hưởng đến ngành sản xuất thép trong nước.

Do đó, hồi cuối tháng 2, cơ quan này đã gửi văn bản tới Bộ Công Thương đề nghị giải quyết sớm vụ việc phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép mạ (vụ việc AD19).

Nguồn: Việt Nam áp thuế chống bán phá giá tạm thời với tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc