Tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nước ta đã kiểm soát rất tốt lạm phát khi thực hiện cải cách tiền lương.

Năm 2023, nước ta đã tăng 20,8% lương cơ sở. Năm 2024, từ ngày 1.7, tăng 30% lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công. Đồng thời, nước ta cũng điều chỉnh chế độ lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng khác.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đến năm 2026 sẽ đánh giá Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, sau đó sẽ tiếp tục thực hiện cho phù hợp.

Chuyên gia nói về kiến nghị tạm dừng tăng lương vào năm 2025
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc điều chỉnh lương cơ sở hằng năm phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của đất nước. Ảnh: Phạm Đông

Về vấn đề có điều chỉnh lương cơ sở hằng năm hay không, bộ trưởng cho hay, việc này phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của đất nước. Trước mắt, năm 2025 có thể tạm dừng lại, sau đó điều chỉnh với một số đối tượng.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII - nhận định: Việc tăng lương cơ sở nhằm nâng cao năng lực nội sinh của người lao động, là cơ sở để tăng năng suất lao động và tăng trưởng GDP.

"Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, tăng lương cơ sở là việc khó làm nhưng chúng ta đã thực hiện trong những năm qua. Việc có tăng lương vào thời gian tiếp theo hay không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, về phía người lao động thì luôn có mong muốn được tăng lương để đảm bảo đời sống. Để thực hiện việc này một cách hài hòa, cân đối thì đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước" - bà An chia sẻ.

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) - cho rằng: Đề án cải cách tiền lương vẫn luôn được nhiều người dân kỳ vọng sau đợt tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2024 vừa qua.

Tiền lương theo vị trí việc làm của công chức không giống với tiền lương theo vị trí việc làm trong các doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp có bảng mô tả vị trí việc làm cụ thể ứng với từng cá nhân, từng công việc.

Ở khu vực nhà nước, gồm cả công chức và người lao động làm theo hợp đồng, người lao động vào công chức là vào hệ thống công vụ. Người lao động có thể làm ở nhiều vị trí việc làm khác nhau, mỗi vị trí gắn với một công việc, mức tiền lương khác nhau.

Tiền lương công chức không có sự thỏa thuận, người lao động vào công chức là chấp nhận mức lương theo vị trí được tính toán sẵn theo thang bảng lương. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của công chức không chỉ tác động cơ quan, đơn vị mà còn tác động tới toàn xã hội. Vì thế, hiệu quả của việc xây dựng tiền lương theo vị trí việc làm sẽ tác động tới toàn xã hội.

Bà Hương lấy ví dụ: "Có thể hôm nay người lao động là công chức cấp bộ, ngày mai được luân chuyển công tác ở cấp huyện, vị trí việc làm thay đổi vậy thì tiền lương theo vị trí việc làm đó cũng thay đổi. Nếu tiền lương tốt, phù hợp với vị trí việc làm sẽ thúc đẩy công chức cống hiến, làm việc từ đó tạo ra sự đột phá trong việc xây dựng, phát triển quốc gia".

Nguồn:Chuyên gia nói về kiến nghị tạm dừng tăng lương vào năm 2025